Sự giáo dục sai cách của cha mẹ có thể khiến trẻ lầm đường lạc lối.
Những nghiên cứu, câu chuyện thực tế đã chứng minh rằng: Cách giáo dục gia đình tệ nhất là một người mẹ ôm đồm tất cả và một người cha không quan tâm đến bất cứ điều gì! Nhưng điều đáng sợ là kiểu gia đình này tồn tại rất nhiều.
01
Người cha “mất tích” + người mẹ “lo tất” + đứa con mất kiểm soát
Người chồng nọ làm kinh doanh, công việc làm ăn phát đạt. Vợ của anh ở nhà chăm lo chu toàn cho cậu con trai duy nhất. Trong mắt người ngoài, gia đình họ là chuẩn mực của kiểu gia đình “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cuộc sống trung lưu, cơm ăn áo mặc đầy đủ, còn gì hạnh phúc hơn thế?
Nhưng sự thật chưa chắc đã như vậy…
Cậu con trai của họ vốn là đứa trẻ thông minh, dễ thương từ nhỏ nhưng càng lớn càng không nghe lời. Cậu bé không chỉ có điểm số học tập kém mà tính tình còn ngày càng nổi loạn, lúc nào cũng cãi lời mẹ. Đôi khi cậu còn dọa bỏ nhà ra đi.
Gia đình này đang gặp vấn đề gì?
Thực tế, nguyên nhân sâu xa chính là cách giáo dục của gia đình họ.
Người vợ chỉ ở nhà, việc lớn nhất là chăm sóc con. Là một người mẹ, cô ấy luôn chu đáo và chịu trách nhiệm về cơm ăn, áo mặc, việc đi lại, sinh hoạt,… của con. Cô ấy không bao giờ để con phải làm gì vì sợ con mất tập trung việc học. Cũng vì vậy mà đứa trẻ ỷ lại, quen thói giơ tay là có người khoác áo, há miệng là có người đút cơm cho, luôn luôn được đáp ứng mọi nhu cầu.
Thỉnh thoảng cậu bé có một số đòi hỏi, hành vi thái quá và bị bố phê bình vài câu. Tuy nhiên một thời gian sau, người bố cũng bắt đầu mềm mỏng và bù đắp cho con theo cách khác.
Càng được chiều chuộng, cậu bé càng ngang ngược, thậm chí cãi lời mẹ và có suy nghĩ việc mẹ phục vụ mình là đúng. Đối với người bố, anh khi về nhà thì không quan tâm tới việc học của con, ít giao lưu tình cảm và tất nhiên không hiểu nổi thế giới nội tâm của đứa trẻ. Trong mắt cậu con trai, bố như một cái máy ATM để xin tiền mỗi khi cần.
Còn về phía người vợ, việc thiếu thốn sự san sẻ của chồng khiến cô dồn hết tình cảm, nỗi lo vào con. Nỗi cô đơn, bất an trong cuộc sống sẽ lấn át người mẹ, khiến cô bao bọc con bằng một tình yêu thương đến nghẹt thở. Đứa trẻ sẽ sống trong thế giới của mẹ nhiều hơn là trong thế giới của gia đình.
Những đứa trẻ bị mắc kẹt trong tình yêu của mẹ phải đáp lại những cảm xúc của mẹ, và áp lực đối với trẻ ngày càng tăng. Để làm mẹ vui, một số trẻ sẽ vâng lời, thậm chí dựa dẫm quá nhiều vào mẹ, trở thành đứa trẻ lớn lên trong vòng tay của mẹ. Trong khi một số khác lại trầm cảm, cáu kỉnh và nổi loạn.
Về người bố, khi mẹ và con quá gắn kết, bố sẽ trở nên “lạc nhịp” trong gia đình. Một người cha không thể tìm thấy cảm giác tồn tại trong gia đình sẽ tìm kiếm cảm giác thành tựu bên ngoài và ngày càng rời xa gia đình.
Một vòng luẩn quẩn như vậy đã tạo ra một “gia đình thất bại”: Bố “mất tích” + mẹ “lo tất” + đứa con mất kiểm soát.
02
Bố mẹ cần thay đổi
> Về phía người bố
Quan tâm đến vợ nhiều hơn
Hãy để vợ cảm nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ chồng mình. Con người vốn sống tình cảm. Nếu không có tình cảm, những cô gái dù có hoạt bát, tươi sáng đến đâu cũng sẽ tàn lụi. Một vài lời quan tâm, một vài điều chu đáo nhỏ nhặt, hãy để tình cảm lắng đọng như rượu ngon.
Đồng hành cùng vợ trong việc giáo dục con cái
Cha mẹ đóng những vai trò khác nhau trước mặt con cái, vai trò của ai cũng không thể thiếu. Cha đưa con đi đúng đường, cho con nhiều ảnh hưởng đúng đắn. Cha dẫn con đi tập thể dục, dạy con làm đồ thủ công, tạo cho con một thế giới, một tâm hồn, một khối kiến thức rộng lớn, phong phú hơn.
Ở nhiều gia đình thiếu vắng vai trò của người cha vì không ít ông bố đã đặt trách nhiệm giáo dục con cái cho mẹ. Họ lấy lý do bận công việc để lâu lâu trốn tránh. Chính sự lười biếng này khiến cuộc sống của con cái bị trì trệ.
Những đứa trẻ thiếu sự giáo dục của cha chắc chắn sẽ có một số khiếm khuyết về tính cách, tình cảm và ý chí.
Hòa thuận, gắn kết với vợ
Khi giáo dục con cái, cha mẹ phải đứng trên cùng một lập trường. Nếu quan niệm giáo dục của cha mẹ không nhất quán thì sẽ gây nhiều phiền hà như: Khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hình thành quan điểm đúng sai, khuyến khích tính ngỗ ngược của trẻ.
Bên cạnh đó, quan niệm giáo dục khác nhau cũng dễ khiến các cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn.
> Về phía người mẹ
Quan tâm và yêu thương chồng nhiều hơn
Con cái khi trưởng thành sẽ sống tách ra khỏi vòng tay cha mẹ. Và chồng sẽ là người bạn đồng hành của người vợ trong suốt cuộc đời. Gia đình nào đặt quan hệ cha mẹ – con cái lên trước quan hệ vợ chồng sẽ không thực sự hòa thuận. Giữa vợ chồng cần phải vun đắp và giữ gìn tình cảm, cần có không gian riêng tư để hòa hợp, lâu lâu có sự tươi mới là điều tốt.
Giáo dục con không phải vấn đề của riêng mẹ
Trên thực tế, trên con đường trưởng thành của đứa trẻ, nhiều việc cần phải để cho người cha làm, chẳng hạn như chơi với con, làm bài tập về nhà với con,… Giáo dục con cái không phải là vấn đề của riêng các bà mẹ, và các ông bố cần phải tích cực tham gia.
Đừng tạo cho con quá nhiều kỳ vọng và áp lực
Con cái nên có không gian riêng và mẹ cũng nên có cuộc sống riêng. Đừng đặt hết kỳ vọng vào cuộc sống của con cái. Coi con cái là niềm hy vọng duy nhất của cuộc đời sẽ tạo áp lực quá lớn cho con.