Đạp xe đến nhà chú vay tiền nhập học nhưng bị đuổi thẳng, 5 năm sau tôi quay về cảm ơn

Một mùa khai giảng nữa lại tới, tôi lại nhớ chú mình với lòng đầy sự biết ơn. Nếu không có chú, tôi đã không có ngày hôm nay.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nơi mà mọi thứ đều đơn sơ, giản dị. Gia đình tôi tuy chẳng dư dả nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Dưới tôi còn một cậu em trai, và chúng tôi lớn lên trong sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ. Nhưng năm tôi 15 tuổi, một vụ sạt lở núi kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của bố tôi, để lại mẹ tôi đơn độc gánh vác cả gia đình.

Từ đó, mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy của mẹ. Tôi hiểu rõ khó khăn của gia đình nên từ những ngày nghỉ lễ, nghỉ hè hay cuối tuần, tôi đều tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp mẹ. Số tiền tôi kiếm được tuy chẳng đáng là bao nhưng cũng giúp gia đình bớt đi phần nào khó khăn.

Dù phải làm việc vất vả, tôi chưa bao giờ lơ là việc học. Tôi luôn tâm niệm rằng chỉ có tri thức mới giúp tôi thoát khỏi cái nghèo bủa vây. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, tôi đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng trên thành phố.

Ngày cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, cả nhà tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nghĩ đến số tiền học phí và các chi phí sinh hoạt nơi thành phố xa hoa, không ai trong nhà còn giữ được nụ cười.

Mẹ tôi gần như kiệt sức sau bao năm làm lụng, chẳng có đồng tiết kiệm nào. Kiếm được đồng nào, mẹ cũng dành hết cho việc học hành của hai anh em tôi. Nhưng học phí đại học khác xa với trung học, chưa kể tiền phòng trọ, tiền ăn uống, đi lại. Tất cả như một bài toán không lời giải.

Trong lúc bế tắc, tôi nghĩ đến chú mình – em ruột của bố. Chú mở một nhà hàng trong thành phố, công việc kinh doanh khá thuận lợi. Nhưng bên cạnh chú là thím, người nổi tiếng khó tính và hay tính toán chi li.

Dù biết khả năng được chú giúp đỡ rất nhỏ, tôi vẫn quyết định đánh liều. Sáng hôm đó, tôi đạp xe gần hai tiếng đồng hồ để đến nhà chú. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như tôi hy vọng.

Vừa bước vào nhà, tôi đã thấy ánh mắt không mấy thiện cảm của thím. Trước khi tôi kịp mở lời, thím đã lên tiếng:

– Cháu lại đến đây làm gì? Nhà chú thím không có tiền cho cháu vay đâu!

Nói xong, thím quay lưng bước đi, để lại tôi đứng đó với cảm giác tủi hổ. Chưa kịp định thần, chú đã cầm cây sào phơi đồ, quát lớn:

– Ra khỏi nhà tôi ngay!

Lời nói và hành động ấy khiến tim tôi như bị bóp nghẹt. Người ta thường nói, “sẩy cha còn chú,” nhưng khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận rõ ràng sự lạnh nhạt từ người thân.

Dắt chiếc xe đạp cũ, tôi lang thang trên đường làng, nước mắt lăn dài trên má. Tôi gần như tuyệt vọng, chẳng biết lấy đâu ra tiền để đi học. Nhưng đúng lúc ấy, điện thoại tôi rung lên. Là tin nhắn từ chú:

– Chú đang đợi cháu ở cây gạo đầu làng, đến ngay nhé.

Dù đầy nghi hoặc, tôi vẫn vội vàng đạp xe tới đó. Đến nơi, tôi thấy chú đang đứng, dáo dác nhìn quanh như sợ ai đó bắt gặp. Vừa thấy tôi, chú rút ngay từ túi áo một chiếc phong bì, dúi vào tay tôi:

– Cầm lấy mà đi học. Đừng cho thím cháu biết.

Chú nói xong liền quay người đi ngay, không để tôi kịp phản ứng. Mở phong bì, tôi nghẹn ngào khi thấy bên trong là 20 triệu đồng – một số tiền quá lớn đối với tôi lúc ấy. Hóa ra, hành động lạnh lùng ban nãy của chú chỉ là để che mắt thím. Số tiền trong phong bì toàn là tiền lẻ, có lẽ đó là “quỹ đen” mà chú dành dụm bấy lâu.

Nhờ số tiền đó, tôi có thể bước chân vào giảng đường đại học. Bên cạnh việc học, tôi đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống của mình, không dám phụ thuộc thêm vào mẹ hay chú. Tôi cố gắng hết mình, không chỉ học tốt mà còn trau dồi các kỹ năng để chuẩn bị cho tương lai. Kết quả là ngay từ năm cuối đại học, tôi đã có một công việc ổn định.

Bốn năm trôi qua, giờ đây tôi đã tốt nghiệp và có vị trí vững vàng trong công ty. Cuối tuần trước, tôi về quê nghỉ lễ, mang theo một món quà nhỏ đến thăm chú. Đó là tấm thẻ trị giá 50 triệu đồng – món tiền đầu tiên tôi dành dụm được sau khi đi làm.

Gặp chú, tôi nghẹn ngào:

– Nếu không có chú, sẽ không có cháu của ngày hôm nay. Đây là chút lòng thành, mong chú nhận.

Chú xúc động nhưng vẫn cố tỏ vẻ nghiêm nghị:

– Cháu sống tốt, chú đã mừng lắm rồi. Nhưng nếu cháu đã có lòng chú sẽ nhận.

Hình ảnh người chú năm xưa, lặng lẽ giúp đỡ tôi khi tôi tưởng chừng không còn lối thoát, mãi mãi là bài học về tình yêu thương và sự hy sinh mà tôi luôn khắc ghi.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/dap-xe-den-nha-chu-vay-tien-nhap-hoc-nhung-bi-duoi-thang-5-nam-sau-toi-quay-ve-cam-on-d257285.html