“Tôi không biết cái người ta gọi là giữ bố cho con, giữ gia đình hoàn chỉnh với người ta nó là như thế nào nhưng với tôi nó là một bi kịch”, người con chia sẻ.
Bình thường người ta cứ nói hôn nhân là chuyện của hai người. Nhưng một khi, họ có con, thì nó không phải là vấn đề của riêng họ nữa.
Mới đây, một bài viết của con đăng tải xoay quanh chuyện bố mẹ ly hôn gây chú ý. Chuyện như sau:
“Cuối cùng ngày này cũng đến, tôi và anh trai và mẹ đã có thể sống một cuộc đời mới. Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, có hai anh em trai. Bố mẹ làm cán bộ bình thường như bao người khác nhưng lại lớn lên trong một gia đình thiếu tình cảm.
Tôi chưa bao giờ hỏi về quá khứ tại sao ba mẹ tôi lại cưới nhau nhưng từ khi bắt đầu biết nhận thức tôi chưa từng thấy mẹ mình có một ngày hạnh phúc”, người con viết.
Đúng là chẳng ai thoải mái với cảm giác sống trong nhà mà bị đè nén đủ thứ, phải sống buồn tủi, khổ sở. Hai vợ chồng như vậy đã không hạnh phúc thì những người con phải chịu đựng nhiều hơn tất thảy. Bài viết kể tiếp:
“Cha tôi không phải là một người chồng tốt, ông cặp bồ, trai gái ở bên ngoài không phải chỉ một đôi lần.
Mẹ tôi không bao giờ đánh ghen, cũng không khi nào bà lên tiếng chửi bới ai nhưng bỏ chồng thì bà không làm được. Bà bị kẹt vào cái xiềng xích: ‘Ly dị thì khổ con’, ‘Sao phải nhường chồng cho đứa khác’, ‘Đàn ông ai cũng vậy mà’, ‘Làm phụ nữ phải nhẫn nhịn’.
Tôi vào lần đầu tiên thấy mẹ khóc, đến tận bây giờ vẫn không thể quên được cảm giác đó. Tôi không biết cái người ta gọi là giữ bố cho con, giữ gia đình hoàn chỉnh với người ta nó là như thế nào nhưng với tôi nó là một bi kịch”.
Trong mắt người con này, cha mình chỉ có vai trò trong nhà xuất hiện thêm người đàn ông mà thôi. Từ chăm sóc các con, lo cho các con từng bữa ăn giấc ngủ vẫn một tay mẹ. Người cha không trăng hoa rồi về nhà đánh đập vợ con nhưng những gì ông làm vẫn khiến hai anh em họ bị ám ảnh hơn cả đòn roi.
“Chúng tôi quen với việc mẹ buồn đến phát bệnh, quen với việc nay nghe người này nói bố có tình nhân. Cả tuổi thơ của anh em tôi trôi qua như vậy và nó ám ảnh đến nỗi giờ anh trai tôi vẫn chưa kết hôn.
Rồi anh em tôi cùng khuyên mẹ nên kết thúc cuộc hôn nhân chỉ toàn nước mắt này, ban đầu mẹ không nghe đâu nhưng khi anh tôi nói rằng: ‘Nếu như mẹ không bớt khổ đi thì cả đời này con cũng không lấy vợ’. Hôm đó 3 mẹ con tôi đã ôm nhau mà khóc.
Mấy chục năm ở trong hôn nhân như địa ngục, không có ai muốn gia đình tan vỡ vậy mà hoàn tất xong thủ tục tôi như được giải thoát, như trút bỏ được tất cả gánh nặng đó giờ. Từ giờ trở đi con mong cuộc sống của mẹ sẽ chỉ toàn là tiếng cười thôi mẹ nhé”, người con viết tiếp.
Có lẽ, vì thương con, vì muốn tự cứu lấy cuộc sống của mình mà người phụ nữ ra quyết định dứt khoát. Gánh nặng của mẹ được trút bỏ cũng giúp cho những đứa con nhẹ người. Thế mới nói, không phải mỗi hai “nhân vật chính” phải chịu đựng hôn nhân mà chính con cái họ cũng phải vất vả với điều đó.
“Tôi mong những người mẹ, những người phụ nữ ngoài kia sống thật dũng cảm và có thể là chính mình. Ai trên đời này cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc, không ai phải hy sinh cho những người không xứng đáng cả. Tôi tin rằng không có người con nào lại mong bố hoặc mẹ phải buồn chỉ vì cái cớ là chính mình đâu”, bài viết kết lại.
Rõ ràng, một cuộc hôn nhân tệ hại, nhiều nỗi buồn hơn niềm vui có ảnh hưởng cực lớn đến con trẻ. Cũng bởi vì những điều ấy mà đôi khi chúng sợ hãi, không dám nhắc đến chuyện hôn nhân.
Ly hôn với nhiều người không phải là kết thúc tất cả. Nó là một giải thoát, một cách để mở ra con đường khác, cuộc đời khác nhẹ nhàng hơn, vơi bớt đi phần nào nỗi ám ảnh. Phụ nữ cũng có quyền được hưởng hạnh phúc. Và nếu như hạnh phúc đó phải đánh đổi bằng sự kết thúc hôn nhân thì cũng hãy tiến hành bởi rất có thể quyết định ấy không chỉ cứu mỗi cuộc đời họ mà còn có cả cuộc đời những đứa con.