Khi con trai làm việc khiến mình xấu hổ, người mẹ này đã bình tĩnh giải quyết và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Con trai của Tiểu Châu (Trung Quốc) vốn là một cậu bé nghịch ngợm, hay quậy phá. Cậu bé thường xuyên phá hỏng đồ đạc khiến Tiểu Châu buồn phiền. May mắn là khi đi học, con trai của Tiểu Châu ngoan hơn, ít trêu chọc bạn bè. Thêm nữa, giáo viên cũng kiên nhẫn quan sát con nên chưa có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra.
Tuy nhiên, một hôm tới đón con, Tiểu Châu nghe cô giáo phản ánh một chuyện khiến người mẹ này cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng.
Chuyện là cô giáo có đeo một sợi dây chuyền vàng. Con trai của Tiểu Châu tỏ ra thích thú khi nhìn thấy nó. Cậu bé hào hứng nói với cô giáo rằng sau này lớn lên sẽ đi làm và kiếm thật nhiều tiền để mua tặng mẹ chiếc vòng y hệt.
Cô giáo nghe xong thấy học trò của mình rất đáng yêu nên đã đến gần, ghé người xuống để cậu bé quan sát sợi dây chuyền kỹ hơn. Cậu bé sau đó đã sơ ý làm đứt chiếc vòng. Giáo viên chỉ thuật lại câu chuyện và không hề yêu cầu Tiểu Châu đền tiền. Tuy nhiên, Tiểu Châu thấy áy náy và xấu hổ trước hành động của con nên cô đã yêu cầu con trai xin lỗi cô giáo.
Sau đó, cô nói với con phải bồi thường thiệt hại khi làm hỏng đồ người khác. Nếu số tiền trong lợn tiết kiệm không đủ sẽ lấy Ipad làm tài sản thể chấp. Con của Tiểu Châu lập tức đồng ý. Thấy vậy, Tiểu Châu cất chiếc Ipad vào tủ và khóa lại. Cô xuống phố mua cho cô giáo của con một sợi dây chuyền mới và đổi lấy dây chuyền bị đứt.
Câu chuyện này đã lan truyền trên mạng xã hội, Tiểu Châu nhận được nhiều lời khen từ các phụ huynh. Cách làm của Tiểu Châu giúp con có trách nhiệm với lỗi do bản thân gây ra đồng thời hiểu được hậu quả của những sai phạm. Việc thu Ipad cũng phần nào giúp con hạn chế sử dụng, vậy là lợi cả đôi đường.
Thực tế trong cuộc sống mỗi khi con mắc lỗi sẽ có những phụ huynh bênh con chằm chặp, có những phụ huynh lại tỏ ra quá nghiêm khắc với con, mắng mỏ con ngay chỗ đông người.
Tốt nhất là khi con mắc lỗi, bố mẹ cần lưu ý:
– Không phạt nếu như trẻ không cố ý phạm lỗi.
– Kiểm soát cảm xúc khi phạt trẻ.
– Không nên phạt trẻ ở chốn đông người.
– Nếu đã dọa phạt, bạn nên phạt.
– Khi không biết ai mắc lỗi hãy phạt chung tất cả.
– Chỉ nên phạt trẻ khi mắc lỗi ở hiện tại chứ không phải trong quá khứ.
– Hình phạt phải phù hợp với độ tuổi và thói quen của trẻ.
– Đừng sử dụng những từ ngữ khó nghe hoặc gây khó chịu.