Vào mỗi dịp đầu năm học, có lẽ các bậc phụ huynh có rất nhiều nỗi lo, không chỉ lo về kinh tế, mà còn phải lo lắng về việc con cái đi học có quen với môi trường mới không, học hành có tập trung, tiếp thu, tiến bộ hay không mà còn có rất nhiều vấn đề khác xoay quanh.
Trong đó, có nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm tới việc: Liệu con mình có gặp phải vấn đề gì với các bạn cùng trang lứa không, có bị bắt nạt ở lớp học hay không? Điều này là mối lo chung của các bậc phụ huynh, dù là ở cấp bậc nào, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho tới đại học.
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị bắt nạt? Điều này ảnh hưởng gì đến tâm lý của trẻ?
Theo nhiều khảo sát, tình trạng nhiều học sinh đi học bị bắt nạt ở trường có xu hướng tăng. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Nếu trẻ bị bắt nạt lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tự tin, rụt rẻ, hay sợ hãi… Thậm chí nếu nặng sẽ dẫn đến tình trạng các con bị trầm cảm, chơi một mình, nói một mình, ngại giao tiếp với người ngoài.
Cha mẹ không chỉ trông chờ vào thầy cô giáo, mà khi các con về nhà cũng cần xao sát tình hình của con và nhận biết những biểu hiện bất thường của con.
Một đứa trẻ bị bắt nạt sẽ có biểu hiện sợ hãi, thiếu sự tin, hay giật mình ngay cả khi thức và khi ngủ.
Nếu cảm thấy trẻ có những biểu hiện bất thường (sợ đến trường, nghỉ chơi với các bạn, trên người có những vết lạ…) mà các con không nói ra, cha mẹ cần tinh tế để ý để nhận ra nguyên nhân của biểu hiện bất thường là gì.
Cha mẹ cần dạy con cách tự bảo vệ bản thân
Có nhiều học sinh bị bắt nạt và các cô giáo cũng khó nhận ra điều đó. Vì vậy, các bố mẹ cần tinh tế, quan tâm, thường xuyên hỏi han các con sau mỗi ngày các con đi học về để nắm bắt được tình hình để tránh những hậu quả dành cho con.
Cách giáo dục của gia đình sẽ một phần giúp các con có cách giải quyết khi bản thân gặp phải tình huống bị bắt nạt. Cha mẹ cần trang bị cho con các kiến thức, kỹ năng để biết tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bắt nạt, tâm lý mạnh mẽ… Ngược lại, nếu cha mẹ dạy con cam chịu một cách không phù hợp có thể khiến con có nguy cơ bị bắt nạt cao hơn.
Việc tự biết cách bảo vệ bản thân là điều vô cùng cần thiết đối với trẻ. Cha mẹ nên dạy con cách tự vệ, phòng mọi trường hợp.
Tất nhiên, không khuyến khích trẻ giải quyết mọi chuyện bằng tay chân, mà nên dạy trẻ dũng cảm và biết tự bảo vệ an toàn cho bản thân.
Cha mẹ cũng nên tin tưởng lời của một đứa trẻ nói, vì thường đó chính là sự thật. Vì vậy giữa cha mẹ và con cái cần luôn tạo sự gần gũi để trẻ có thể chia sẻ mọi chuyện ở trường.
Cha mẹ nên cho con chịu khó tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe
Một đứa trẻ có sức khỏe không chỉ khiến bố mẹ cảm thấy yên tâm hơn mà giúp chính những đứa trẻ đó tự cảm thấy tự tin vào bản thân mình. Có sức khỏe thì tiếp thu bài học cũng tốt hơn, tinh thần tốt hơn.
Có nhiều cha mẹ cho con đi học võ, đó cũng là cách rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần định hướng cho con mục đích để có sức khỏe tốt, và để phòng vệ chứ không nên ỷ việc mình có võ mà gây tổn thương cho các bạn khác.
Cha mẹ dạy con luôn giữ thái độ bình tĩnh, khoan dung
Việc giao tiếp của con với các bạn bố mẹ cũng nên lưu tâm, nhắc nhở con. Dù trong mọi trường hợp cần giữ sự bình tĩnh. Khi chơi đùa cùng các bạn thì cần giữ thái độ khoa dung, hạn chế tối đa mâu thuẫn.
Đồng thời cha mẹ cũng nên định hướng con, ngăn con không được chủ động đi bắt nạt các bạn khác.
Vậy nếu gặp tình huống con bị bắt nạt, cha mẹ nên xử lý ra sao?
Không có cha mẹ nào muốn con mình gặp phải tình huống này. Vì vậy, sự định hướng của cha mẹ dành cho các con là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần truyền sức mạnh qua những câu nói, để trẻ có suy nghĩ tích cực, bản thân luôn thấy tự tin, mạnh mẽ. Khuyến khích các con giao tiếp, kết thân với những người bạn vui vẻ, tích cực để có thêm sức mạnh
Theo lý thuyết, thường những kẻ bắt nạt sẽ chọn những người yếu ớt và cô độc.
Cha mẹ nên luôn lắng nghe trẻ, giúp con hiểu được cảm xúc của bản thân. Tiếp đến là hướng dẫn trẻ phản ứng lại sự việc, và hãy xem liệu phản ứng đó có hiệu quả không… Nếu phương pháp này cũng không được thì hãy hành động và giúp con giải quyết vấn đề.
Việc hướng dẫn con là vô cùng quan trọng, có thể sử dụng ngôn ngữ sắc bén để cảnh báo người bắt nạt; tỏ vẻ oai vệ, hùng dũng để người khác phải dè chừng…
Vì đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, có một số ý kiến từ các cha mẹ cho rằng:
-Đáng buồn là những kẻ bắt nạt luôn (90%) có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ không quan tâm hoặc chia tay, thậm chí sống với ông bà, hành vi bắt nạt của đứa trẻ là sự phản kháng lại đối với xã hội. Những đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận, gia đình êm ấm thường sẽ vui vẻ hòa đồng với người khác.
-Cho con đi học võ, nhưng phải kiểm soát là để tăng cường thể lực, tự tin, tự vệ, tuyệt đối không gây trước, vì luôn có người giỏi hơn, và phải biết chạy, khi đối thủ đông, thời thế – thế thời, tự lo cho bản thân là thượng sách.
-Tóm lại là dạy trẻ cách tự xử trí, khi thấy trẻ không làm được thì can thiệp. Quan trọng là luôn ủng hộ con, luôn quan tâm con.
-Sức mạnh thể chất là tiền đồ quan trọng để trẻ phát triển cả về tư duy lẫn sức khỏe mà ít người quan tâm. Mọi người lớn đều biết không có sức khỏe thì không làm được gì, nhưng lại coi như không quan trọng với con trẻ, thật buồn cười!