Mới đây, báo Dân Trí đã đưa tin về một trường hợp người phu nữ có tên Tống Thu Thủy (sinh năm 1990) quê Thanh Hóa, hiện đang sống tại Hà Nội kể lại hành trình nỗ lực làm việc để mua nhà.
Được biết, chị Thủy đã có thể tự mua nhà từ khi mới 28 tuổi. Chia sẻ với PV Dân trí, chị Thủy cho biết năm 2018, thời điểm làm nhân viên cho một công ty truyền thông, tuy ao ước có nhà ở Hà Nội nhưng lại nghĩ không biết đến khi nào mới có thể thực hiện được.
Trong một lần cùng hai đồng nghiệp nữ đi mua sắm, khi biết số tiền thuê trọ của chị Thủy là 2,5 triệu đồng một tháng, một người đồng nghiệp nữ đã gợi ý chị nên liều mua nhà, tìm căn hợp lý nếu không đủ tiền thì vay thêm ngân hàng.
Sau đó, chị Thủy đã bắt đầu tìm hiểu về các dự án chung cư, tìm giá của căn hộ phù hợp với số tiền của cô có cũng như mức thu nhập hiện tại.
Thời điểm đó, chị Thu Thủy có khoảng 350 triệu đồng. Tuy nhiên lại cho vay nên tiền chưa quy về một mối. Được biết, số thu nhập hàng tháng của chị khoảng 15-18 triệu.
Mất một thời gian tìm hiểu các dự án nhưng chưa ưng. Đến khi một người chị họ gửi cho thông tin về dự án nhà ở xã hội thuộc phường Phú Lãm (quận Hà Đông) có đầy đủ cách tiện ích.
Chị đã tìm hiểu kỹ về dự án. Sau đó, chị quyết định chọn căn hộ có diện tích 56m2, gồm 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Được biết, căn hộ này có giá 798 triệu đồng chưa bao gồm phí bảo trì, “hoa hồng” cho môi giới. Sau khoảng một tuần là chốt căn hộ và bắt đầu đóng tiền cọc.
Thời điểm đó chị Thủy có 350 triệu đồng nên cô vay ngân hàng 500 triệu đồng, 120 triệu đồng còn lại cô vay anh em, bạn bè mỗi người một ít để không phải trả lãi. Ngoài tiền mua nhà, cô vay dư một ít để làm nội thất, mua các đồ gia dụng cần thiết.
“Tôi chọn gói vay 500 triệu đồng với lãi suất 8,9% thời điểm năm 2018. Gói vay trong vòng 20 năm, mỗi tháng trả một phần gốc và lãi khoảng, tổng 5,8 triệu đồng” – chị Thủy chia sẻ với PV báo Dân trí.
Đến ngày 1/7/2018, Thu Thủy chính thức được ở trong ngôi nhà mang tên chủ sở hữu là mình.
Cuộc sống của chị Thủy sau khi mua nhà đã thay đổi rất nhiều. Cô đã cắt giảm những khoản tiền như uống trà sữa, đi xem phim, dịch vụ chăm sóc bản thân. Ăn sáng thay vì bún phở thì chị ăn xôi, ngô, mì tôm,…
Thậm chí cô còn đề ra bảng chi tiêu “5 không” gồm: Không cà phê, trà sữa; không mua sắm quần áo mới; không đi spa, gội đầu, làm móng; không (hạn chế) tụ tập, đi xem phim; không đi du lịch.
Thủy kể chi tiết: “Như đã nói với thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập vãng lai có tháng được 20 triệu đồng, tôi dành 6 triệu đồng trả nợ mua nhà; 1 triệu đồng tiền điện nước, phí dịch vụ, mạng internet; 2 triệu đồng cho các nhu cầu thiết yếu như nước giặt, xà bông, kem đánh răng, điện thoại, xăng xe… 2 triệu đồng tiền ăn. Còn lại tôi gửi tiết kiệm online để khi nào được một khoản thì đem trả người thân, bạn bè“.
Sau khoảng 10 tháng kể từ khi nhận nhà, cô vừa trả lãi được ngân hàng hàng tháng vừa tiết kiệm đủ 120 triệu đồng để trả cho anh em, bạn bè.
Năm 2020, Thu Thủy kết hôn, kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Năm 2021, sau khi sinh con được khoảng 3 tháng, công ty của cô giải thể nên cô bị thất nghiệp. Sau đó, cô đã tìm được công việc phù hợp nên đã vượt được qua giai đoạn khó khăn. Đến hiện tại, Thu Thủy còn nợ ngân hàng khoảng 410 triệu đồng.
“Sau 2 năm kết hôn, tôi đã có thể trả hết nợ ngân hàng. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan nên tôi quyết định chưa vội trả” – Thu Thủy cho biết thêm.