Nghe mẹ thông báo, vợ chồng chị Hằng và các anh chị em vừa bất ngờ, vừa vui mừng, xen lẫn lo lắng. Vậy là mong ước mẹ chồng có người bầu bạn suốt 14 năm qua của chị đã thành hiện thực.
Cô con dâu nổi tiếng vì chuyên đi tìm chồng cho mẹ
Chị Hằng kể, chị về làm dâu hơn 15 năm nay thì mẹ chồng chị – bà Hồ Thanh Hà, năm nay 75 tuổi, sống cảnh goá bụa 14 năm. Bà không có bất cứ mối quan hệ tình cảm nào từ ngày bố chồng chị mất vì bệnh ung thư. Sống cùng vợ chồng chị, bà là người chăm sóc 2 đứa cháu từ ngày chúng còn đỏ hỏn cho đến khi các cháu tự lập. Bây giờ, khi các cháu không còn nhu cầu chăm sóc nữa, bà lủi thủi một mình, chỉ thỉnh thoảng đi du lịch cùng gia đình.
Sau khi bố chồng mất được 3-4 năm, chị Hằng đã gợi ý tìm một người bầu bạn cho mẹ, nhưng bà đều gạt phắt đi. “Có lẽ, sau 2 năm chăm sóc ông bị bệnh, bà cũng sợ đến với ai đó tầm tuổi mình”.
Để đả thông tư tưởng cho bà, vợ chồng chị Hằng luôn bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, nếu bà tìm được một người tâm đầu ý hợp để chia sẻ vui buồn lúc về già, ông bà cứ mạnh dạn đến với nhau. Còn khi một trong hai ông bà đau ốm, các con hai bên sẽ có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ mình. “Kể cả sau này, khi nói chuyện với các anh con bác trai, chúng tôi cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng như thế, chứ không phải chúng ta tìm người bầu bạn cho ông bà là để ‘đẩy’ gánh nặng sang vai người khác”.
Dần dần, bị con dâu thuyết phục, bà Hà không còn phản đối kịch liệt chuyện đi tìm tri kỷ nữa. Cũng từ đó, chị Hằng ra sức tìm “bạn trai” cho mẹ chồng.
“Tôi rất nổi tiếng ở khu này vì chuyện đi tìm bạn trai cho mẹ chồng. Gặp bác nào bất kể già hay trẻ, cởi trần hay diện comple, đang ngồi chơi cờ hay uống trà…, tôi đều sỗ sàng hỏi ‘bác còn vợ không?’ hoặc ‘bác có ai giới thiệu cho mẹ cháu với’” – chị Hằng hài hước chia sẻ.
“Tôi nổi tiếng đến nỗi, có lần bác thu tiền điện đến nhà còn hỏi ‘cô có phải là cái cô con dâu chuyên đi tìm chồng cho mẹ không?’”
Chị Bùi Thị Thu Hằng – cô con dâu cá tính chuyên đi tìm bạn trai cho mẹ chồng
Tuy mai mối tích cực như vậy nhưng chưa kịp kết duyên cho mẹ được mối nào thì mẹ chồng chị đã tự tìm được “bến đỗ” cho mình. Ông là Phạm Văn Hình, 75 tuổi – người cũng mất vợ 4-5 năm nay. Lúc quen bà Hà, ông cũng đang sống một mình trong căn nhà ở Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Các con trai của ông đều đang sinh sống và làm việc ở xa. Ông bà quen nhau là nhờ nhà ông ở cạnh nhà bạn bà.
‘Mẹ tiến lên!’
Hôm ấy, theo lời mời của bác trai, cả gia đình chị Hằng về căn nhà ở Thường Tín (quê ông Hình) chơi với tâm thế hai bên gặp gỡ để biết mặt nhau. Nhưng khi vừa đến cổng, cả đoàn “nhà gái” đã thấy bác trai đứng ở cổng, tay cầm bó hoa như hoa cô dâu. Vào đến nhà thì thấy nhà cửa được trang hoàng, bàn ghế sắp sẵn mời khách. Bàn uống nước được phủ khăn trải bàn, trên bàn có hoa tươi, bánh kẹo, bàn thờ được thắp hương, cắm hoa chu đáo.
Đặc biệt, các bô lão trong họ và trong làng đều được mời đến, phát biểu ý kiến y như một đám dạm ngõ. Cả gia đình chị đều ngỡ ngàng trước sự chuẩn bị chu đáo và trịnh trọng này.
Bó hoa ông tặng bà trong ngày đón cả gia đình “nhà gái” sang chơi
Ánh mắt lấp lánh niềm vui giản dị của hai người cô đơn tìm thấy nhau.
Một tuần sau đó, mẹ chồng chị nhắn tin vào nhóm chat chung của gia đình: “Thứ 7 tới, bác Hình muốn sang đón mẹ về nhà”. Cả nhà đọc xong, tất cả rơi vào trạng thái im lặng vì quá bất ngờ. Chỉ có chị – cô con dâu cá tính – cổ vũ mẹ: “Wow, con chúc mừng mẹ. Mẹ tiến lên!”
Chồng chị Hằng tối hôm đó cũng thể hiện tâm trạng “hơi sốc”. Anh góp ý: “Có lẽ mẹ nên chậm lại chút, con thấy hơi vội”. Nhưng chị lại “hồn nhiên” phản biện: “Tuổi trẻ mới có thời gian mà từ từ tìm hiểu, chứ 75 tuổi rồi, biết được ngày mai ra sao… Con nghĩ, mẹ thích thì mẹ cứ về bên ấy, cứ vui đi đã. Nếu 2-3 ngày nữa, mẹ không vui thì mẹ bảo con sang đón mẹ về”.
Thế là chị Hằng cấp tập chuẩn bị cho “lễ đón dâu” của mẹ chồng. Ban đầu, mẹ chồng chị nói không muốn làm gì cả, chỉ chuẩn bị một mâm cơm cho con cháu. Nhưng chị nhất quyết “phải làm cho đàng hoàng”. Chị thuê người đến căng bạt, sắp xếp bàn ghế, bắt mẹ chồng mặc áo dài, trang điểm… đầy đủ các hạng mục như một đám cưới nho nhỏ.
“Tôi còn ngỏ lời tặng mẹ và bác một cặp nhẫn cưới nhưng khi mẹ báo cho bác Hình thì bác nói bác sẽ tự đi mua. Thế là bác 75 tuổi đi mua nhẫn cưới, cực kỳ dễ thương”.
Về phía nhà trai, ông Hình cũng tự tay trang hoàng căn phòng cưới với đầy đủ giường tủ, chăn ga gối đệm mới tinh để đón bà Hà về chung nhà.
Ngày ông đón bà về Thường Tín sống chung một nhà
Làm lễ xong xuôi thì hai ông bà đi “trăng mật” 2 tháng – chị Hằng gọi vui như thế. “Bác trai có một căn nhà ở Nha Trang nên ông bà vào đó ở 1 tháng. Con trai bác từ Sài Gòn ra Nha Trang mua sắm đầy đủ nội thất, đồ đạc cho căn nhà để đón ông bà về nghỉ ngơi. Sau đó, đôi bạn già lại rủ bạn bè đi Phú Quốc du lịch 1 tháng nữa.
Chị Hằng chia sẻ, mẹ chồng chị là người kín tiếng, không hay tâm sự cảm xúc riêng tư nhưng chị để ý thấy bà đi chơi về, tinh thần rất phấn khởi, vui vẻ. Ngày xưa, khi bọn trẻ còn nhỏ, vợ chồng chị cũng hay đưa bà đi chơi cùng, thậm chí đi xuyên Việt bằng ô tô. Nhưng khi bọn trẻ càng lớn, sở thích của chúng ngày càng khác biệt và “nặng đô” hơn, các chuyến đi không còn phù hợp để đưa bà đi cùng nữa. “Có lần tôi đã sắp xếp cho bà đi du lịch châu Âu, rủ và động viên bạn bè cùng tuổi với bà đi cùng cho vui. Nhưng cuối cùng bà lại là người từ chối vì những người kia đều có đôi, có cặp”.
“Bà còn có một ước mơ từ lâu, đó là về già được sống vui vẻ ở một căn nhà cạnh biển. Nhưng chúng tôi dù có mua cho bà một căn nhà như thế thì bà cũng không muốn ở vì ở một mình thì buồn lắm. Chính vì thế mà trước đó, tôi vẫn miệt mài tìm người bầu bạn cho bà”.
Ông từ chối món quà của các con, tự tay đi mua cặp nhẫn để trao cho bà trong ngày trọng đại.
Chị Hằng tâm sự, chị rất vui khi bác trai là một người cực kỳ chu đáo và quan tâm tới mẹ mình. “Ngày lễ, ông vẫn tặng hoa cho bà, còn là những bó hoa rất to đẹp. Sinh nhật các cháu, ông cũng gửi quà sang. Đi chơi cùng gia đình, ông cũng chủ động xin được đóng góp rất chu đáo.
Từ ngày bà về với ông, ông đã cho thuê căn nhà ở Thanh Nhàn để chuyển về ngôi nhà ở Thường Tín sinh sống vì không muốn bà phải leo cầu thang. Ông mua hẳn một bộ loa cho bà nghe nhạc, cơm nước, quét dọn nhà cửa, vườn tược, chăm sóc bà rất chu đáo. Ông vẫn trêu là ‘bà sai gì tôi làm hết, bà không phải lo’”.
Vượt qua định kiến ‘già rồi còn dở chứng’
“Hầu như mọi người đều chúc phúc cho ông bà và gia đình. Nhưng đâu đó vẫn có người bảo ‘bà hâm’, ‘ngần ấy tuổi rồi còn dở chứng’… Trước những quan điểm kiểu như vậy, tôi luôn gạt đi ngay, thậm chí còn phản ứng rất mạnh mẽ” – cô con dâu 43 tuổi nói.
Trước quyết định “dọn về” với người mới của bà Hà, ban đầu con cái trong nhà cũng còn nhiều băn khoăn và lo lắng. “Mọi người hay suy nghĩ rất xa những chuyện như khi ốm đau thì ai chăm sóc, có nên làm đăng ký kết hôn không, nếu kết hôn thì tài sản như thế nào… Mọi người quan tâm đến quá nhiều thứ, nên tôi đã đứng ra để nói với cả nhà, thậm chí là trước mặt cả ông bà rằng: ‘Quan trọng nhất là mẹ cháu có thêm một người bạn để cùng thực hiện những ước mơ của bà. Những thứ khác không còn quá quan trọng nữa. Cháu chỉ mong mẹ cháu sẽ có những ngày tháng thật vui vẻ, và nếu trong trường hợp mẹ cháu không vui, cháu sẽ xuống đón mẹ cháu về. Thế nên, bác phải làm thế nào để mẹ cháu vui nhé’. Tôi đã chia sẻ rất chân thành với bác như vậy”.
Đám cưới nho nhỏ diễn ra trong sự hân hoan của con cháu và bạn bè ông bà.
Bà mẹ 2 con nói, bản thân chị, nếu sống được đến 80 tuổi có nghĩa là chị sẽ yêu đến 80 tuổi. “Tôi nghĩ bất kỳ độ tuổi nào cũng có quyền được yêu. Khi mình yêu một ai đó, tự nhiên mình sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn, có cái nhìn bao dung hơn, vượt qua mọi thứ một cách dễ dàng hơn. Chẳng ai có quyền nói người già thì không được yêu – đó là một định kiến rất cổ hủ. Nó ngăn cản việc đi tìm hạnh phúc của người già.
Định kiến này thực ra đến từ hai phía. Bản thân người già cũng hay nghĩ rằng ‘trời ơi, mình không làm thế được đâu, rồi con cái nhìn vào sẽ như thế nào’. Tôi thấy nhiều người già rất tội. Bình thường các cụ nói một câu, con cái phải nghe nhưng đến lúc các cụ yêu một người, họ lại quay ra sợ con cái, tự nhiên họ trở thành người yếu thế, chỉ đơn giản vì họ đang yêu – một việc vốn dĩ hết sức bình thường”.
Sau đám cưới, ông bà có 2 tháng nghỉ ngơi, du lịch cùng nhau ở Nha Trang và Phú Quốc.
“Người trẻ chúng ta cũng còn nhiều định kiến. Chúng ta phải hiểu rằng mình là một thế hệ rất khác. Chúng ta không thể nào nói chuyện tốt, chăm chút tốt cho ông bà như người đang yêu bố mẹ chúng ta được. Người già sẽ có những sự đồng cảm mà chỉ khi ở tuổi đó họ mới cảm nhận được”.
Trước khi chia sẻ câu chuyện của mẹ chồng lên mạng xã hội, chị Hằng đã hỏi ý kiến bà. Bà cản: “Thôi đừng đăng, đăng lên người ta chửi cho đấy”. Nhưng chị đã thuyết phục mẹ, rằng: “Các gia đình khác cũng có thể có câu chuyện giống như nhà mình nhưng mọi người không nói ra. Con chỉ muốn câu chuyện này được lan toả để nhiều người già khác cũng có thể tìm thấy hạnh phúc giống như mẹ. Những người con cũng sẽ suy nghĩ cởi mở hơn – hãy chăm sóc bố mẹ mình theo cách để cho ông bà sống cuộc đời của mình chứ không phải cuộc đời mà các con muốn”.
Chiều qua, khi chị đưa cho mẹ chồng xem những bình luận, lời chúc phúc của hàng nghìn người trên mạng xã hội, bà đã say mê đọc và tủm tỉm cười cả ngày.