“Bỏ phố về làng” là trào lưu rầm rộ mấy năm gần đây.
Nhưng cuộc sống về quê chẳng dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Đã có những bạn phải “bỏ của chạy lấy người” mà quay trở lại thành phố. Nếu bạn không chịu được cảnh đầu tắt mặt tối, ráo mồ hôi là hết tiền thì chắc chắn khó sống ở quê lắm.
Chuyện của chị Nguyễn Bích Ngọc và anh Phùng Minh Thuần, bỏ phố về làng với hai bàn tay trắng. Nếu không đủ đam mê, định hướng cụ thể, chịu thương chịu khó thì đã sớm “đầu hàng” rồi. Về quê không phải cảnh sáng ra vườn thưởng trà, tối ngắm hoa như mọi người vẫn mường tượng. Đó là cả hành trình thay đổi lối sống, sinh hoạt, công việc.
Ngày còn ở thành phố, chưa một lần đầu óc được thảnh thơi
Anh Phùng Minh Thuần và chị Nguyễn Bích Ngọc đều bằng tuổi nhau, sinh năm 1989, cả gia đình đã rời Hà Nội để về sinh sống tại Ba Vì (quê nhà anh Thuần), vừa tròn một năm. Đây là thay đổi lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại của hai vợ chồng, khi “giông tố” kéo tới tổ ấm.
Chị Ngọc thời còn sống ở Hà nội
Ngày trước, chị Ngọc làm công việc văn phòng còn anh Thuần công tác tại Bộ Nông nghiệp, sống giữa trung tâm thủ đô.
Hai vợ chồng, công việc ăn việc làm ổn định, con cái ngoan ngoãn. Đúng chuẩn gia đình mẫu mực. Nhưng sâu thẳm trong tâm trí anh Thuần, vẫn cảm thấy chông chênh.
Chị Ngọc kể:
“Trước nay anh Thuần vẫn canh cánh trong lòng về nông nghiệp sạch. Anh luôn khát khao được đóng tự tay nuôi trồng ra thực phẩm trên chính mảnh đất quê hương”.
Rất nhiều lần anh Thuần rục rịch về quê, vừa muốn khởi nghiệp, vừa thuận phụng dưỡng bố mẹ già. Nhưng ông bà nội phản đối, vì nghĩ thương con thương cháu khi phải sống cảnh “đầu tắt mặt tối”.
Vậy là anh Thuần xoay hướng sang mở cửa hàng nông sản sạch. Bỏ cả công việc ổn định hiện tại. Chị Ngọc kể lại, đó là giai đoạn khó khăn nhất mà vợ chồng phải trải qua:
“Bao nhiêu tiền của hai vợ chồng được bố mẹ, họ hàng, bạn bè mừng cưới đều dồn vào đây. Mỗi ngày mở mắt ra là phải đối mặt với tiền thuê nhà, tiền nhân viên, rồi tiền nông sản bị hư hỏng do không kịp bán.
Chồng mình lúc đấy đã mất thăng bằng suốt thời gian dài. Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Anh đóng cửa chẳng muốn giao du cùng ai. Rồi sau đó anh bỏ lên Hòa Bình, đến ở cùng thôn của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Được trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo đất nông nghiệp…mới giúp anh vực dậy. Cửa hàng mở ra đó không có người trông, mình đành phải bỏ công việc văn phòng, để thay chồng cáng đáng. Lúc bấy giờ, đứa lớn nhà mình còn chưa tròn một tuổi.
Hơn nửa năm sau anh quay về. Công việc ở cửa hàng cũng đã dần ổn định, hai vợ chồng cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng mình biết, sâu trong anh vẫn là khoảng trống mà mình vẫn chưa đồng cảm và chia sẻ cùng anh được.”
Nhưng với sự chân thành, nhẫn nhịn mà hai vợ chồng đã nắm tay nhau đi qua giai đoạn “mây đen” của hôn nhân. Anh Thuần chia sẻ với vợ về ước mơ muốn tự tay làm ra nông sản sạch. Anh muốn đánh đổi một lần được sống còn với đam mê đó. Để sau này không phải hối tiếc điều gì. Anh muốn thực hiện điều đó, ngay trên mảnh đất Ba Vì mà anh sinh ra và lớn lên.
Trùng hợp thời điểm đó cũng là Covid-19 khiến Hà Nội đóng cửa nghiêm ngặt, cả gia đình cùng “bỏ phố về làng”
Bỏ phố về làng, bước ngoặt lớn của cả gia đình
Ngày hai vợ chồng dắt díu về quê, nhiều bạn bè người thân biết chuyện đều gàn. Mấy người quen còn hỏi nhỏ “Gia đình đã có mấy tỷ tiết kiệm rồi mà quyết định về quê dứt khoát thế?”. Chị Ngọc không mảy may suy nghĩ mà nói thật, chẳng có tiền tích cóp mà hai vợ chồng vẫn còn nợ. Về quê, còn thêm gánh nặng cho ông bà nội.
Lần này, anh Thuần quyết tâm với nghề sản xuất trứng vịt sạch. Thay vì cho ăn cám công nghiệp như nhiều hộ chăn nuôi. Anh Thuần đi theo hướng nguyên bản từ thời ông bà để lại. Cho vịt ăn ngô, ăn thóc, bèo bồng, dây khoai…từ ao nhà & ruộng mương.
Về quê, để con trẻ gần gũi thiên nhiên là ấp ủ từ lâu của gia đình chị
Những lứa trứng vịt sạch ra đời, anh Thuần đều đặn hàng tuần chở trứng lên thành phố bán.
Còn đối Ngọc, đây cũng là khoảng thời gian chị tiếp xúc nhiều với bố mẹ chồng kể từ khi làm dâu đến giờ. Trước kia, đã từng có thời điểm chị bác bỏ ý kiến “bỏ phố về làng” của chồng. Vì chị sợ, về quê lấy gì mà sống khi công việc đồng áng, chăn nuôi chị chưa từng động tay động chân. Một phần cũng vì sợ sống chung với bố mẹ chồng khó tính.
Thế nhưng, chị Ngọc đã thay đổi suy nghĩ khi cùng chồng về quê. Chị nhận ra sự chất phác & gần gũi từ bố mẹ chồng. Ông bà thương con thương cháu vô điều kiện. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy khó mà nói thành lời.
Từ một người chẳng biết việc đồng áng, một tay mẹ chồng đã chỉ bảo chị từng li từng tí. Sau thời gian được mẹ tận tâm dạy dỗ, chị Ngọc tự hào khi giờ đây là một cô nông dân chính hiệu. Đã có thể phụ ông bà nội, phụ chồng trồng rau, nuôi cá, nuôi heo theo mô hình vườn ao chuồng.
Sâu thẳm trong trái tim, chị Ngọc nhận ra rằng: “Chỉ khi được sống cùng nông nghiệp, chồng chị mới thực sự vui vẻ”. Có lẽ, đây là quyết định đúng đắn với gia đình chị lúc này.
Bỏ phố về làng, để cảm nhận từng hơi thở của cuộc sống
“Từ ngày bỏ phố về quê, chất lượng cuộc sống gia đình mình cải thiện rõ rệt. Dù thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ vừa đủ trang trải sinh hoạt và có khoản tích lũy nhỏ hàng tháng cho con cái sau này. Nhưng nhàn cái là hai vợ chồng không bị áp lực thuê nhà, lúa thì tự trồng, gà vịt tự nuôi, cá có sẵn ở ao, rau trong vườn…tự cung tự cấp hết. Chứ như trước kia, sáng mở mắt ra là mất tiền. Giờ có khi, cả tuần mới tiêu vài trăm.
Cám nhà tự làm, phục vụ cho bầy vịt nuôi dưới ao
Nhưng điều khiến mình vui nhất, là các con rất thích cuộc sống ở nơi đây. Bạn lớn nhà mình khi về còn bỡ ngỡ. Đêm đến còn thủ thỉ với mẹ: “Con nhớ trường, nhớ các bạn lắm mẹ ạ”. Ấy thế mà bây giờ đã chuẩn bị bước vào cấp 1. Con hòa đồng với các bạn học ở quê. Con được khám phá nhiều điều thú vị về cuộc sống xung quanh. Thay vì bốn bức tượng với màn hình tivi, điện thoại như trước kia. Dù nhiều người nói về quê thì việc học của con sẽ chịu thiệt hơn các bạn thành phố. Nhưng mình thấy bây giờ ở quê cũng phát triển lắm. Các thầy cô dạy dỗ các con chẳng thua kém gì ở phố đâu. Nếu có điều kiện, thì có thể cho con học thêm trên mạng cũng được”, chị Ngọc tâm sự.
Anh cán bộ ngày nào, giờ là nông dân chính hiệu
Vậy là, sau hơn một năm “bỏ phố về làng”, từ người sợ về quê, chị Ngọc đã được sống đúng chất của “người nhà quê”. Được trải nghiệm những ngày lao động mệt nhoài từ sáng đến tối “áo chẳng ráo mồ hôi”. Nhưng có lúc lại vui như đứa trẻ khi nhìn thấy giàn mướp đã đậu quả. Mùa nào thức đấy, nhà chị lúc nào cũng có sẵn hoa quả như nhãn, mít, ổi, cam…vì vừa của nhà, vừa của hàng xóm cho. Tình làng, nghĩa xóm khó mà có được ở trên thành phố.
Trứng gà nhà làm
Suy cho cùng, thời gian về quê chính là những ngày tháng vui vẻ và bình yên nhất của đôi vợ chồng trẻ kể từ ngày lấy nhau đến giờ. Quan trọng hơn hết thảy, chị Ngọc cảm thấy được sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Và chồng chị – anh Thuần đã mạnh mẽ, quyết đoán, là chỗ dựa vững chãi cho cả nhà.
Về quê, không ai có thời gian để buồn vì việc gần như kín mít từ sáng tới tối, trời nắng cũng như trời mưa: Nhặt trứng, cắt cỏ cho bò, cá, dọn chuồng, bốc phân bón cỏ… Việc nhiều làm không xuể, cả nhà lao ra làm, vất vả nhưng an yên.
Riêng Ngọc, bố mẹ chồng không cho động vào việc đồng áng, mà chỉ để cô chăm chút từng bữa ăn, quán xuyến nhà cửa, thỉnh thoảng phụ một số việc vặt ngoài vườn. Vợ chồng cô cũng đón tin vui khi về quê ít lâu, Ngọc mang bầu song thai.
“Giá trị mà mình nhận được lớn nhất, mà thú thực là khi quyết định về quê mình chưa nghĩ tới, đó là sự hòa hợp giữa các thành viên trong nhà. Quan trọng nhất là sự yên tâm, vững vàng đi bên cạnh chồng.
Nếu để so sánh với những bất ổn về tâm lý của anh trước đây, những áp lực anh ấy phải chịu và sự lo lắng của mình trước khi về quê, mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Vợ chồng mình chỉ biết cố gắng hơn để kinh tế dần ổn, sẽ bớt việc cho bố mẹ một chút. Chúng mình về quê ở hẳn, lao động nghiêm túc chứ không phải rong chơi. Cũng may là gia đình có nền tảng sẵn về nông nghiệp nên cũng đỡ chật vật hơn.”, cô trải lòng.