Cảnh “sống mòn” của goá phụ nghèo nuôi đàn con tàn tật, đứa teo não, đứa phải đi bằng 2 tay

Chồng mất vì ung thư. 4 đứa con đứa đi bằng 2 tay, đứa bị teo não, khù khờ, ngây dại khiến cuộc sống của bà Lan rơi vào cảnh bần cùng, tăm tối. Goá phụ nuôi đàn con tàn tật, teo não Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào căn nhà cấp 4

Chồng mất vì ung thư. 4 đứa con đứa đi bằng 2 tay, đứa bị teo não, khù khờ, ngây dại khiến cuộc sống của bà Lan rơi vào cảnh bần cùng, tăm tối.

Goá phụ nuôi đàn con tàn tật, teo não

Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào căn nhà cấp 4 của bà Văn Thị Lan (50 tuổi, trú xóm 1, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương của người chồng, người cha xấu số vừa mất cách đây 3 tháng vì căn bệnh hiểm nghèo. Phía dưới chân bàn thờ, hình ảnh người con trai lớn là Hồ Sỹ Hoàn (35 tuổi) với đôi chân gầy guộc, co quắp, di chuyển bằng 2 tay.

Thắp nén nhang lên bàn thờ chồng, bà Lan khóc nghẹn khi nhắc đến thảm cảnh gia đình. “Vợ chồng tôi nghèo hèn, tài sản không có gì ngoài 4 đứa con thì đứa tàn tật, đưa bị teo não, có lớn mà chẳng có khôn. Giờ chồng mất, một mình tôi gánh nặng 2 vai, không biết xoay xở như thế nào để vượt qua khó khăn này”.

Ông Hồ Sỹ Căn (chồng bà Lan) từng vào sinh ra tử tại chiến trường Lào. Sau ngày trở về, ông cùng bà Lan (ít hơn 13 tuổi) nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc chưa kịp mỉm cười thì bất hạnh nối dài khi đàn con của họ phải gánh di chứng nhiễm chất độc da cam của người cha từ chiến trường trở về.

Sinh được 4 người con trai thì con trai lớn là Hồ Sỹ Hoàn bị khuyết tật bẩm sinh, đôi chân teo tóp, co quắp, phải di chuyển bằng 2 tay yếu ớt. Cuộc sống của anh Hoàn chỉ thu mình trong căn nhà nhỏ, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.

Người con út là Hồ Sỹ Lợi (14 tuổi) cũng chịu bất hạnh không kém khi bị teo não bẩm sinh. Càng lớn (ấy là về tuổi) nhưng Lợi chẳng khác nào đứa trẻ lên 2, khờ khạo, cười nói ngây dại một mình. Suốt ngày Lợi quanh quẩn, vui đùa bên người anh trai tàn tật.

Cảnh "sống mòn" của goá phụ nghèo nuôi đàn con tàn tật, đứa teo não, đứa  phải đi bằng 2 tay

Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Ông Căn lại bị ảnh hưởng chất độc da cam nên thường xuyên ốm đau, không làm được việc nặng. Bà Lan trở thành trụ cột, chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con tàn tật, ai thuê cấy lúa, gặt hái, phu gạch… bà đều nhận làm. Những ngày mưa gió, bà lại tranh thủ ra đồng mò cua bắt ốc để cải thiện bữa cơm cho cả gia đình. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau, chạy ăn từng bữa.

Gần 2 năm trước, ông Căn phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày. Khó khăn càng thêm chồng chất nhưng bà Lan vẫn cố gắng vay mượn khắp nơi để đưa chồng đi điều trị, với hi vọng sẽ kéo dài sự sống để gia đình được ở bên nhau.

“Sau hơn một năm điều trị, ông ấy cũng bỏ mẹ con mà đi, để lại cho tôi một đàn con dại, tàn tật cùng khoản nợ gần 100 triệu đồng đã vay mượn trước đó để chữa trị cho chồng. Chồng mất, con cái thì thân tàn ma dại, nhiều khi nghĩ đến tương lai phía trước của chúng, tôi như muốn gục ngã”, bà Lan khóc nghẹn.

“Chỉ mong sức khoẻ để rau cháo qua ngày nuôi con”

Thấy mẹ khóc, anh Hoàn ngước nhìn mẹ rồi khóc theo. Dù tàn tật, di chuyển gặp nhiều khó khăn nhưng anh Hoàn là một người thông minh, hiểu chuyện. Anh đưa bàn tay yếu ớt lau dòng nước mắt chảy trên má người mẹ rồi thở dài chia sẻ.

“Đáng ra, bằng tuổi này tôi đã lấy vợ, sinh con và lo được một phần cuộc sống cho mẹ, thế nhưng tôi lại không may mắn như những người bạn cùng lứa. Cuộc đời tôi là gánh nặng cho mẹ. Lúc nào mẹ cũng lam lũ, ưu phiền, lo nghĩ rồi khóc. Tôi chỉ ước nhìn thấy mẹ được sống vui vẻ, bình yên dù chỉ một ngày. Thương mẹ rất nhiều nhưng thân tôi thế này cũng đành bất lực”.

Có lẽ niềm hi vọng duy nhất cả gia đình bà Lan dành trọn cho người con trai thứ 3 (19 tuổi) vừa trúng tuyển đại học. Thế nhưng bà lại gánh thêm nỗi lo khi nghĩ về chặng đường đầy khó khăn phía trước, lo con sẽ phải bỏ học giữa chừng.

“Cả cuộc đời tôi lam lũ, đau khổ mấy tôi đều cố gắng vượt qua rồi, giờ chỉ mong có sức khoẻ để rau cháo qua ngày nuôi đàn con tàn tật và nuôi đứa con ăn học thành người, để sau này nó còn làm chỗ dựa cho anh, em nó. Vậy mà giờ khó khăn, nợ nần chồng chất, thân tôi lại hèn yếu không biết có vượt qua?” bà Lan trăn trở.

Chia sẻ bài viết: