Căn bệnh khiến bác sĩ “đi làm 20 năm vẫn sợ nhất”

Sốt xuất huyết là căn bệnh có “diễn tiến động”, trở nặng rất nhanh chỉ trong vài giờ, gây ra các hậu quả sức khỏe rất lớn nếu nhập viện trễ hoặc không theo dõi sát sao.

“Tôi làm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM 20 năm rồi nhưng vẫn ‘sợ’ sốt xuất huyết nhất, vì bệnh này rất khó lường”BSCKII Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, chia sẻ khi nhớ lại khoảng thời gian hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện. 

Bác sĩ Thọ từng tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều ca bệnh mắc sốt xuất huyết nguy kịch. Rất nhiều người vào viện rồi khỏe mạnh, được trở về nhà. Cũng không ít trường hợp tưởng có thể bình an xuất viện nhưng rồi, một biến chứng đã lấy đi tất cả. 

Một bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Diệu Linh).

“Tôi ấn tượng mãi về một nam bệnh nhân trẻ từ vài năm trước”, bác sĩ Thọ nhớ lại. 

Đó là một nam sinh viên, tuổi khoảng 20, nhập viện vào ngày thứ hai với triệu chứng sốt cao, tỉnh táo. Thông thường, ở giai đoạn này, tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ trong đêm đó, bệnh nhân trở nặng đột ngột rồi qua đời.

Giải phẫu tử thi cho thấy nam thanh niên tổn thương tim nghiêm trọng – một biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm của sốt xuất huyết ở người lớn.

“Ca bệnh này cho thấy rõ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết rất khó lường. Trong một số trường hợp, trình trạng có thể trở nặng chỉ trong vài giờ dù trước đó bệnh nhân rất khỏe, khiến bác sĩ không kịp trở tay”, bác sĩ chia sẻ. 

Căn bệnh diễn tiến từng giờ

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm lâu đời ở Việt Nam, do virus Dengue gây ra và lây truyền qua muỗi vằn.

Các bệnh nhân sốt xuất huyết đang nằm tại khoa ICU của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Thọ nhấn mạnh, sốt xuất huyết có diễn tiến động, thay đổi từng giờ, đặc biệt trong giai đoạn nặng từ ngày 4 đến ngày 6. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường đã bớt sốt, rất dễ sinh ra tâm lý chủ quan vì nghĩ mình bắt đầu hồi phục. 

Tuy nhiên, đây là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm, cần theo dõi kỹ. Các triệu chứng như mệt mỏi bất thường, xuất huyết (chảy máu cam, tiêu phân đen) có thể báo hiệu tình trạng giảm tiểu cầu đột ngột, cô đặc máu, gây biến chứng nghiêm trọng.

Nếu không nhập viện kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào sốc do thất thoát huyết tương, xuất huyết nội tạng, hoặc suy đa cơ quan, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Sốt xuất huyết tại TPHCM đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê mới được công bố chiều 24/7 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến ngày 15/7, thành phố ghi nhận 15.546 ca, tăng 157,9% so với cùng kỳ năm 2024 (6.029 ca), với 10 ca tử vong (TPHCM cũ 6 ca, Bình Dương 3 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 1 ca).

Xu hướng năm nay cho thấy người lớn chiếm tỉ lệ mắc sốt xuất huyết ngày càng cao. Tuy nhiên, nhóm tuổi 11-15 tuổi vẫn là lứa tuổi có nguy cơ trở nặng nhiều nhất.

Thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy tỷ lệ ca nặng tăng 12-13% (2017-2018) lên 19% trong 6 tháng đầu năm 2025, với nhiều ca tổn thương nội tạng nghiêm trọng hơn so với các đợt dịch trước.

“Các trường hợp tử vong gần đây cho thấy bệnh không chỉ gây sốc mà còn gây xuất huyết nặng và tổn thương đa cơ quan, đặc biệt ở những bệnh nhân nhập viện trễ”, bác sĩ Thọ cho biết. 

Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gần đây. Các bệnh nhân đều là người trẻ, có cơ địa béo phì, nhập viện trong tình trạng sốc và tái sốc nhiều lần, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và nhiễm trùng.

Sai lầm lớn nhất của nhiều người bệnh sốt xuất huyết

Bác sĩ Phan Vĩnh Thọ nhấn mạnh, sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng ở nhiều nhóm bệnh nhân và đi khám sớm là yếu tố then chốt để giảm biến chứng. 

“Sốt xuất huyết có cách theo dõi khác với các bệnh sốt thông thường. Nhiều người bệnh nhầm sốt xuất huyết với cảm cúm hoặc dị ứng, dẫn đến chậm trễ điều trị. 

Người dân nên đi khám khi sốt cao bất thường, xuất hiện đốm đỏ dưới da để được bác sĩ đánh giá kỹ”, bác sĩ chia sẻ. 

Bàn tay chi chít vết xuất huyết dưới da của người bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bác sĩ Thọ cũng nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất là từ chối nhập viện dù bác sĩ khuyến cáo, đặc biệt ở người trẻ, khỏe mạnh, do chủ quan nghĩ bệnh chưa nặng. Nhiều ca tử vong xảy ra do nhập viện trong tình trạng sốc hoặc xuất huyết nghiêm trọng.

Trong trường hợp được điều trị ngoại trú, người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý với các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu, tránh thực phẩm màu đỏ, nâu, hoặc sẫm (như tiết canh, chocolate) để bác sĩ không nhầm lẫn với triệu chứng ói ra máu.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước để bù dịch, không tự ý truyền dịch ngoài chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, tránh tiêm bắp vì có thể gây xuất huyết lan rộng, đặc biệt khi có rối loạn đông máu.

Người bệnh cũng chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, đúng liều lượng theo chỉ định bác sĩ, tránh các loại thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin vì tăng nguy cơ xuất huyết.

Từ ngày 4-6, nếu xuất hiện mệt mỏi bất thường dù hết sốt, có hiện tượng chảy máu (chảy máu răng, cam, tiêu phân đen), ói nhiều, đau bụng vùng gan hoặc lơ mơ, tay chân lạnh (dấu hiệu sốc), bệnh nhân cần nhập viện ngay để theo dõi, tránh biến chứng xảy ra đột ngột.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thọ cũng khuyến cáo nhóm nguy cơ cao cần nhập viện sớm, bao gồm trẻ dưới 1 tuổi, người trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, và bệnh nhân có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan hoặc béo phì.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân trên 60 tuổi nhập viện tăng từ 0,5% (2017-2018) lên 4% (2024), thường kèm bệnh nền, khiến công tác điều trị phức tạp hơn.

Một số nhóm khác cũng nên nhập viện sớm khi mắc sốt xuất huyết là những người sống một mình, không có người hỗ trợ theo dõi, đặc biệt vào ban đêm khi bệnh có thể trở nặng đột ngột; những người bệnh sống xa cơ sở y tế. 

Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, người dân cũng cần ngăn chặn muỗi sinh sôi, phát triển bằng cách vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ nước đọng, phun hóa chất diệt muỗi. Ngủ màn kể cả ban ngày, dùng kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt lây bệnh. 

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/can-benh-khien-bac-si-di-lam-20-nam-van-so-nhat-d312237.html