Cách trữ bưởi ăn Tết không héo, không ủng, bưởi xuống nước ăn ngọt lịm

Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn tích trữ bưởi lâu, để thoải mái vẫn tươi ngon.

Mùa bưởi kéo dài từ tháng 8 năm trước tới tháng 1 năm sau. Dịp gần Tết Nguyên Đán là cao điểm thu hoạch bưởi của các địa phương. Những vườn bưởi thơm, vàng óng, trĩu cành là điểm nhấn sinh động cho bức tranh nông thôn đẹp, trù phú mỗi khi Tết đến, xuân về… Với nhiều loại bưởi như: bưởi Đoan Hùng, bưởi diễn, bưởi hoàng… được nhiều người mua về đãi khách dịp Tết.

Bưởi là loại quả rất ngon và tốt cho sức khỏe, thường được yêu thích vào các dịp lễ. Đặc biệt ngày Tết thì bưởi là loại quả không thể thiếu để thắp hương và ăn tết. Vậy làm sao để bảo quản được bưởi để vài tháng, Tết vẫn ăn ngon?

Bảo quản bưởi bằng cát

Để bảo quản bưởi trong thời gian lâu dài, bạn nên chọn một chỗ sạch sẽ, khô ráo rồi trải bìa carton xuống. Sau đó phủ 1 lớp cát khô lên trên rồi xếp bưởi thành từng hàng.

Trong lúc xếp, bạn nên đặt quả to ở dưới và quả nhỏ ở trên. Chỉ chất thành 2 tầng, không nên chất quá nhiều sẽ khiến bưởi ở tầng dưới bị dập.

Cát khô có đặc tính hút ẩm tốt, giúp bạn bảo quản hương vị thơm ngon của bưởi trong khoảng 4 – 6 tháng và ngăn ngừa tình trạng hư thối do nấm mốc.

Bôi vôi

Cách đơn giản để bảo quản bưởi cho ngày Tết là quét vôi lên núm bưởi. Vôi là một chất giúp chống lại vi khuẩn vì tính kiềm cao. Phần núm bưởi dễ bị vi khuẩn xâm nhập làm thối quả. Do đó thay vì quét vôi toàn quả thì bạn chỉ cần chú trọng đắp vôi lên trên núm quả bưởi để diệt khuẩn. Sau đó lớp giấy hoặc carton rồi đặt bưởi lên. Nhưng tránh xếp nhiều tầng lớp bưởi lên nhau. Bạn cũng nên để ở chỗ góc nhà khô thoáng không bị ướt nước.

Trong vôi tôi có chứa Ca(OH)2 giúp diệt khuẩn và ngăn ngừa tình trạng hư thối hiệu quả. Vì thế, người ta cũng thường dùng nguyên liệu này để bảo quản các loại rau củ, trái cây.

Sau khi chọn được bưởi ngon, không bị dập nát xong, bạn dùng khăn lau sạch bề ngoài quả rồi cắt bớt phần cuống sao cho khoảng cách từ rốn đến chỗ cắt chỉ còn 0.5cm.

Dùng 1 ít vôi tôi chấm lên vết cắt rồi đặt bưởi ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. 

Cụ thể cách làm:

Bước 1 Dùng khăn lau sạch bề mặt bưởi sau đó cắt bớt phần cuống sao cho khoảng cách từ rốn đến chỗ cắt còn 0.5cm.

Bước 2 Dùng 1 ít vôi tôi chấm lên vết cắt.

Bước 3 Để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào.

Cách làm này giúp bảo quản được bưởi trong 2 – 3 tháng, ngăn ngừa vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập.

Bảo quản bằng túi nilong

Bưởi sau khi hái hoặc mua về khoảng 5 – 10 ngày, dùng nước vôi bôi vào đầu cuống bưởi. Cách này nhằm ngăn không cho vi sinh vật thâm nhập vào trái bưởi từ cuống xuống.

Sau đó, lấy túi nylon cho từng quả bưởi vào và buộc chặt lại, tránh tiếp xúc với nước và hơi ẩm. Cách này nhằm ngăn không cho không khí tiếp xúc với trái bưởi. Khi được bọc trong túi nylon, bưởi sẽ xuống nước chậm hơn, tươi lâu hơn.

Dùng giàn tre, gỗ để bảo quản bưởi

Nếu ở nhà có sẵn giàn tre, bạn cũng có thể tận dụng nó để bảo quản bưởi với số lượng lớn.

Theo đó, bạn di chuyển giàn tre đến nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời rồi bắt đầu xếp bưởi lên giàn. Khoảng cách giữa tầng dưới và tầng trên của giàn là 30cm.

Cách làm này có thể bảo quản bưởi trong khoảng 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ môi trường nên bưởi để lâu (quá 2 tháng) sẽ không giữ được trọn vẹn hương vị nữa. Vì thế, nếu đã bảo quản bằng giàn tre thì bạn nên thưởng thức bưởi càng sớm càng tốt nhé!

Dùng túi lưới để bảo quản bưởi

Nếu cần bảo quản bưởi với số lượng lớn để thuận tiện trong khâu vận chuyển, mua bán, bạn nên áp dụng phương pháp dùng túi lưới.

Đầu tiên, bạn đục lỗ xung quanh thùng xốp hoặc thùng carton để tạo môi trường thoáng khí. Sau đó, lấy túi lưới bọc những quả bưởi lại rồi xếp vào trong thùng. Như vậy, bạn có thể yên tâm vận chuyển chúng mà không cần lo lắng về vấn đề hư thối.

Trong quá trình bảo quản, bạn nhớ thường xuyên kiểm tra xem túi bưởi có bị ẩm không và có quả nào đã chín mềm không. Nếu có, hãy thay túi và đặt riêng quả đã chín ra để tránh tình trạng ẩm mốc lan sang các quả khác nhé!

Xem thêm: Mua bưởi chọn quả tròn hay quả nhọn: Người bán chỉ mẹo nhìn sơ là biết bưởi ngọt, vỏ mỏng, mọng nước

Để bưởi vào gầm giường

Ngừa xưa thường lăn bưởi vào trong gầm giường khô thoáng, bởi nơi đó ít ánh sáng nên vi khuẩn khó phát triển trên hoa quả hơn. Tuy nhiên làm cách này bạn cũng cần thường xuyên phải kiểm tra để thấy quả có vấn đề thì cần loại ra tránh lây sang quả khác.

Cách bảo quản bưởi tươi, xanh để làm đồ thờ, cúng

Chọn 1 góc khô ráo, thoáng mát rồi đặt 3 viên gạch xuống. Sau đó, cho thùng carton lên trên gạch rồi rải 1 lớp cát khô dày khoảng 5 – 7cm vào đáy thùng.

Tiếp đến, xếp bưởi lên trên rồi phủ thêm 1 lớp cát nữa. Lặp lại thao tác này cho đến khi bưởi được xếp đầy thùng thì bạn tiến hành rải lớp cát trên cùng dày 20cm.

Cách làm giúp bưởi xanh lâu và giữ được hình dáng đẹp mắt, hương vị ngọt mát để làm đồ thờ cúng trong khoảng 1 – 2 tháng.

Cách chọn mua bưởi ngon

Quả bưởi ngon có lớp vỏ bên ngoài căng, bóng, hơi ửng vàng, hình dáng trái bưởi tròn đều, khi cầm trên tay thấy nặng chắc thì bưởi ngon, mọng nước, không bị khô xơ bên trong.

Kiểm tra vỏ bưởi dày hay mỏng, bạn có thể dùng đầu ngón tay búng nhẹ vào vỏ bưởi, nếu nghe thấy tiếng ‘bốp bốp’ thì trái bưởi đó có vỏ dày, còn nếu có tiếng ‘cạch cạch’ thì vỏ bưởi mỏng nên mua.

Quan sát các nốt gai trên lớp vỏ của trái bưởi thấy gai càng to thì trái bưởi đó càng chín, già, ngon. Không chọn những trái bưởi có các nốt gai nhỏ, mật độ gai dày, những bưởi đó thường non, khi ăn cho vị rất chua, không ngọt.

Riêng với bưởi da xanh, bưởi năm roi, nên lựa trái có khối lượng từ tầm 1 kg trở lên, đặt trên tay thấy chắc và kích cỡ của bưởi cũng không quá lớn, da của bưởi căng bóng, vỏ màu xanh nhưng có ánh vàng, nốt gai to.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/cach-tru-buoi-an-tet-khong-heo-khong-ung-buoi-xuong-nuoc-an-ngot-lim-d202466.html
X