“Thực sự nghe chồng nói tới đó em thấy cạn lời không còn muốn đáp lại. Hôm sau bố mẹ lên, em đón luôn ông bà ra thuê khách sạn ở…”, người vợ kể.
Đôi khi được vợ tôn trọng nhún nhường đàn ông lại hiểu sai nghĩ rằng họ phụ thuộc, quỵ lụy chồng nên mặc sức “phũ”. Chính điều ấy đã khiến phụ nữ buộc phải “biến hình” để thích nghi với hoàn cảnh sống. Lúc ấy đàn ông đừng than trách vợ mình thay đổi.
Y. tâm sự: “Chồng em sống ích kỷ và tính toán vô cùng. Đặc biệt anh ấy lúc nào cũng phân biệt đối xử giữa 2 bên nội ngoại. Nhất là năm ngoái 2 đứa em mua nhà, bên nội cho 300 triệu, bên ngoại chỉ có 20 triệu cho, anh ấy gửi trả ông bà, tuy miệng nói khéo là đã xoay đủ tiền không cần lấy của bố mẹ nhưng khi chỉ có 2 vợ chồng thì anh lại đay nghiến đi đay nghiến lại rằng: ‘Bố mẹ cô cho như thế tôi nhận chẳng bõ mang tiếng’. Từ đó ai tới chơi chồng em cũng rêu rao rằng lấy vợ chẳng nhờ vả được gì nhà ngoại…’. Em giải thích không biết bao nhiêu lần là ông bà ngoại ở quê không có điều kiện song anh ấy vẫn chẳng chịu để vào tai”.
Y. kể bởi chồng luôn thái độ, sống thiếu quan tâm tới nhà ngoại nên cô ở giữa cảm thấy rất mệt mỏi. Trong khi đó, với nhà nội cô lúc nào cũng quan tâm, chăm lo hết mực. Tuy nhiên, chồng Y. lại đơn giản nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người làm vợ, phận làm dâu. Chưa bao giờ anh nghĩ mình là rể phải ăn ở như thế nào mới phải đạo.
Y. chia sẻ: “Tháng trước bố mẹ em lên thành phố dự đám cưới cháu họ bên nội của bố, tiện công đi ông bà gọi điện báo với em sẽ lên sớm 1 ngày để rẽ vào nhà em thăm con cháu. Chồng em nghe thấy vợ báo liền khó chịu ra mặt rồi hằn học bảo: ‘Tốt nhất cô bảo bố mẹ cô không có việc quan trọng thì khỏi vào nhà tôi làm gì. Tôi không có thời gian tiếp đâu. Lúc con khó khăn không giúp, giờ còn vẽ chuyện thăm nom”.
Khi nghe chồng nói tới đó Y. cảm thấy bất lực, không còn gì muốn nói với chồng, tránh phải đôi co nhiều lời. Được biết sau đó bố mẹ cô lên, Y. đón ông bà ra khách sạn. “Tối ấy em đặt nhà hàng đãi ông bà ăn uống linh đình rồi chụp ảnh cả nhà ngồi ăn khoe lên facebook. Chồng em đi làm về không thấy vợ đâu, nhà cửa tối om mới gọi điện nhưng em không nghe máy” – Y. kể.
Về phía chồng của Y., sau khi thấy vợ chia sẻ ảnh lên facebook thì ngay lập tức gọi và hỏi vợ đang ở đâu. Cô bảo nghĩ đến những điều chồng nói mà thấy giận, tủi thân và uất ức. Thế nên khi bị chồng truy vấn, cô thản nhiên trả lời chồng rằng đang ở với bố mẹ. Cô cũng gay gắt nhắc lại việc chồng “cấm” bố mẹ tới nhà mình và lấy đó làm lý do đưa bố mẹ tới khách sạn ở. Và để tăng thêm tính hệ trọng vì lối cư xử của chồng, Y. cứng rắn tuyên bố: “Tôi cũng dọn luôn đồ của tôi đi rồi, giờ nhà anh rộng rãi, anh cứ 1 mình tận hưởng hết đi. Với tôi, bố mẹ chính là nhà nên họ ở đâu tôi ở đó'”.
Sau khi đã nói xong những gì cần nói, Y. cúp máy luôn không để chồng kịp phản ứng gì. “Có lẽ lúc đầu lão ấy tưởng em chỉ giận dỗi nhưng vào phòng kiểm tra thấy đúng là vợ đã dọn sạch sẽ đồ đạc mang đi mới nhắn tin tiếp bảo vợ chồng có gì bình tĩnh nói chuyện lại song em không trả lời. Tới hôm sau, lão cũng mò được khách sạn em với bố mẹ ở mà đến gọi vợ ra nói chuyện, nhận sai rồi nói khéo mời ông bà ngoại về nhà” – Y. bức xúc nhắc lại sự việc.
Cũng theo lời Y. kể, sau hôm ấy cô với chồng có một buổi nói chuyện nghiêm túc về cách hành xử của anh đối với bố mẹ vợ. Cô tuyên bố rõ ràng, nếu anh còn không biết quan tâm, thiếu tôn trọng nhà ngoại, cô sẽ ly hôn bởi cùng phận làm con, anh tôn trọng bố mẹ đẻ anh thế nào thì cô cũng yêu thương, muốn chăm lo cho nhà đẻ mình như thế.
Là bố mẹ ai cũng yêu thương các con nhưng khả năng tiềm lực của mỗi gia đình khác nhau, không ai giống ai. Mỗi người lo cho con một kiểu, phận làm con không thể đòi hỏi, lấy tiền làm bàn cân để đong đếm tình cảm của bố mẹ. Hiểu những điều vợ phân tích, chồng Y. không còn lạnh nhạt, dửng dưng với nhà vợ nữa. Cũng từ đó Y. đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân, trong cuộc sống hôn nhân không phải cứ nhún nhường, mềm mỏng mà đã giải quyết được việc, đôi khi phải cứng rắn, quyết liệt trên tinh thần xây dựng thì mới xử lý được bất đồng giữa vợ chồng.