Với một gia đình nông thôn như chúng tôi, 1,2 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ. Thế nhưng, ngay sau khi vợ chồng tôi cưới, mẹ chồng đã không ngần ngại đưa số tiền ấy cho chúng tôi mua nhà trên thành phố.
Ngày đó, mẹ nói:
– Các con cứ cầm lấy mà mua nhà. Phải có nhà thì mới ổn định được cuộc sống, gia đình mới êm ấm.
Tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng của mẹ chồng. Bà hiền lành, hết lòng vì con cháu, không nghĩ đến bản thân.
Sau này, khi tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng không ngại chuyển hẳn lên thành phố ở với vợ chồng tôi để tiện chăm sóc cháu. Tôi sinh liền ba đứa, và mẹ chính là người chăm bẵm, dạy dỗ chúng từ nhỏ đến lớn. Vợ chồng tôi mải miết lo công việc, chẳng có thời gian để quan tâm con cái nhiều, nhưng mẹ chẳng bao giờ trách móc hay phàn nàn. Bà luôn cảm thông, nhẹ nhàng bảo:
– Các con cứ lo làm đi, mọi việc ở nhà để mẹ.
Tôi biết mẹ chồng đã hy sinh rất nhiều, nhưng ngoài lời cảm ơn, tôi chẳng biết làm gì hơn. Sau này, khi kinh tế gia đình khá hơn, tôi âm thầm lập một cuốn sổ tiết kiệm cho mẹ, mỗi năm tích góp một chút, để sau này lo cho tuổi già của bà. Ngày thường, vợ chồng tôi biếu tiền mẹ nhưng bà đều từ chối, nói rằng không cần.
Gần đây, sức khỏe của mẹ giảm sút, bà thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Tôi nghĩ thời điểm đã chín muồi để trao cuốn sổ tiết kiệm. Một buổi tối, tôi vào phòng mẹ, đưa bà cuốn sổ và nhẹ nhàng nói:
– Mẹ ơi, trong cuốn sổ tiết kiệm này có 2 tỷ đồng, mẹ hãy dùng nó để lo cho tuổi già nhé. Mong mẹ hãy nhận lấy, coi như chúng con hiếu kính mẹ sau những năm mẹ chăm sóc con cái, nhà cửa giúp chúng con ạ.
Mẹ chồng thoáng ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó, ánh mắt bà trở nên phức tạp. Cầm cuốn sổ vừa trao cầm chưa kịp ấm bà đã thẳng tay hất đi. Giọng run rẩy, bà nói:
– Vô tâm!
Tôi bàng hoàng, không hiểu tại sao mẹ lại phản ứng gay gắt như vậy. Phải chăng tôi chưa đủ chu đáo, hay tôi đã nói sai điều gì. Như nhận ra phản ứng của mình hơi quá, mẹ chồng dịu giọng lại nói tiếp:
– Con cầm tiền về đi, mẹ không cần. Mẹ giúp các con nuôi cháu không phải vì tiền.
Tôi lặng lẽ nhặt cuốn sổ lên, lòng nặng nề, quặn thắt vì những lời mẹ chồng trách tôi, từ chối tấm lòng của tôi. Nghẹn ngào, tôi hỏi bà, mong tìm được lời giải thích:
– Mẹ ơi, tại sao mẹ lại mắng con là người vô tâm?
Mẹ chồng thở dài, ánh mắt lộ rõ sự bất lực:
– Mẹ giúp các con vì mẹ yêu các con, yêu gia đình này. Mẹ không cần tiền của con, điều mẹ cần là sự thấu hiểu và tôn trọng, là sự quan tâm của các con trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải số tiền lạnh lẽo này.
Nói rồi, mẹ chồng quay lưng đi vào bếp. Tôi đứng lặng, nhìn bóng mẹ cặm cụi bên nồi cơm mà thấy nghèn nghẹn trong lòng. Cả cuộc đời mẹ đã lo lắng, vun vén cho con cái, nhưng đến cuối cùng, tôi lại không hiểu được điều bà thực sự mong muốn.
Tối hôm ấy, tôi nằm trằn trọc mãi. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi nhận ra mình đã quá thờ ơ với mẹ chồng. Mua quà, biếu tiền, tôi cứ nghĩ đó là cách thể hiện sự quan tâm, tròn chữ hiếu. Nhưng khi bà đi viện, tôi chưa một lần đưa bà đi khám, thậm chí có hôm bà về nhà, tôi còn quên cả hỏi thăm tình hình. Mẹ hy sinh cho gia đình tôi quá nhiều, nhưng tôi lại chỉ biết đền đáp bằng vật chất, mà không để ý rằng điều bà thực sự cần là sự quan tâm, gần gũi.
Tôi bước vào bếp, ôm mẹ từ phía sau, nghẹn ngào nói:
– Mẹ, con xin lỗi. Con biết lỗi rồi ạ. Từ nay, con hứa sẽ quan tâm chăm sóc mẹ chu đáo hơn.
Mẹ không nói gì, chỉ khẽ gật đầu.
Tối hôm sau, tôi lại vào phòng mẹ, mang theo cuốn sổ tiết kiệm. Lần này, tôi nhẹ nhàng đặt nó lên bàn và nói:
– Mẹ, con biết mẹ không cần tiền, nhưng đây là tấm lòng của chúng con. Mẹ đã hy sinh cả đời cho chúng con, con chỉ muốn làm điều gì đó để báo đáp mẹ. Mẹ hãy nhận lấy, coi như để chúng con được yên lòng nha mẹ.
Lần này, mẹ chồng lặng lẽ nhận cuốn sổ. Bà không nói gì, nhưng ánh mắt đã dịu lại.
Sau chuyện đó, tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn bên mẹ. Những lúc rảnh, tôi cùng mẹ nấu ăn, làm việc nhà, trò chuyện để bà không cảm thấy cô đơn. Tôi chăm chỉ hỏi han sức khỏe của mẹ, đưa mẹ đi khám mỗi lần bà thấy mệt.