Người lớn thường nhầm tưởng rằng trẻ con không có tính hiếu thắng. Thực tế, tính hiếu thắng của một đứa trẻ đôi khi còn mạnh mẽ hơn người lớn rất nhiều. Điều này luôn có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, sẽ giúp trẻ có động lực để vượt qua khó khăn. Còn mặt tiêu cực chính là sự hình thành tính hơn thua đến cùng trong mỗi đứa trẻ.
Chính vì vậy, để con mình không trở thành một đứa trẻ có tính hơn thua cực đoan, cha mẹ hãy dạy cho con cách chấp nhận thất bại, thay vì dạy trẻ cách chiến thắng bằng mọi giá. Và 5 cách dưới đây là những gợi ý rất thiết thực cho cha mẹ tham khảo, cha mẹ nhé!
1. Phân tích nguyên nhân thất bại và giúp trẻ nâng cao năng lực
Khi đối mặt với thất bại, không riêng gì trẻ em, mà ngay cả người lớn chúng ta đều có thói quen trốn tránh. Trẻ con rất ghét sự thất bại, và thường lảng tránh nó thay vì thừa nhận.
Chính vì vậy, việc của cha mẹ sau khi kiểm soát được cảm xúc của trẻ đó là hãy từ từ phân tích cho con hiểu nguyên nhân tại sao con lại không thành công. Đừng cố nhồi nhét vào đầu trẻ những quy phạm sáo rỗng, mà hãy thông qua những câu chuyện gần gũi xung quanh phân tích cho trẻ hiểu. Nếu cha mẹ làm đúng, con sẽ từ từ nhìn ra được nguyên nhân thất bại và thậm chí có thể tìm ra cách khắc phục nó mà cha mẹ không ngờ đến.
Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng quên nâng cao năng lực cho trẻ thông qua những trò chơi, cuộc thi vừa tạo hứng thú vừa giúp trẻ tăng cường các kỹ năng cần thiết. Dần dần, trẻ sẽ học được cách phải làm thế nào để tiếp thu kiến thức và áp dụng kiến thức vào cuộc sống.
2. Hãy cho phép một đứa trẻ thất bại được khóc
Cảm giác thất bại thường khiến trẻ khó chịu. Lúc này, nếu cha mẹ không biết cách thể hiện sự đồng cảm với con thì sẽ rất dễ khiến sự khó chịu của trẻ tăng lên gấp nhiều lần. Đối với một đứa trẻ đang thất bại, không có gì khó khăn hơn là chấp nhận điều đó. Nhưng, để trẻ hiểu được điều đó, cha mẹ cần khéo léo khi nói với con. Một gợi ý cho cha mẹ đó là thay vì nói: “Con thua rồi!
Nhưng cũng có gì to tát đâu!”, cha mẹ hãy an ủi con bằng cách: “Cha/mẹ biết sẽ rất khó chịu, nhưng nếu con muốn khóc thì hãy cứ khóc đi. Có cha/mẹ ở đây bên con rồi!”
Phần lớn những đứa trẻ khi nghe vậy thường sẽ khóc thật to, và điều này rất tốt, vì cũng giống như người lớn, khóc là một dạng giải tỏa trạng thái tiêu cực rất tốt.
3. Hướng dẫn trẻ kịp thời
Rất nhiều bậc cha mẹ muốn dạy con cách đối mặt với thất bại, nhưng lại quá “bận” với những việc khác, mà quên mất đi việc hướng dẫn trẻ một cách kịp thời là rất quan trọng. Nếu bạn trì hoãn, và để cảm xúc hiếu thắng tồn tại trong suy nghĩ của con lâu hơn thì chắc chắn bạn đã thất bại và rất khó để có thể khiến con hiểu về sau này.
Chính vì vậy, nếu trẻ đang rơi vào trạng thái hoảng loạn vì thất bại, cha mẹ hãy kịp thời trấn an để những cảm xúc tiêu cực nhanh chóng biến mất.
4. Bản thân cha mẹ phải là tấm gương cho con
Có một sự thật rằng, trẻ thường nhìn vào những việc làm của cha mẹ để bắt chước theo. Chính vì vậy, nếu bạn muốn con mình học được cách chấp nhận thất bại thì chính bản thân cha mẹ cũng phải làm được điều đó. Tuy nhiên, rất ít cha mẹ làm được điều này bởi cái “tôi” quá lớn, nhưng lại luôn ra rả bắt con phải thế này thế kia. Điều này là phi thực tế, và đôi khi sẽ phản tác dụng khi trẻ kháng cự lại bằng cách: “Tại sao cha mẹ làm thế này, nhưng lại bắt con phải làm thế kia?”
5. Hãy để trẻ trải qua thất bại nhiều lần
Việc thất bại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành thói quen đối mặt với chúng một cách dễ dàng. Ví dụ dễ nhìn ra nhất đó là khi trẻ ngã, thay vì đỡ con dậy, cha mẹ hãy để con tự đối mặt với việc bị ngã và học cách tự đứng lên. Có thể, những lần tiếp theo con sẽ lại ngã, nhưng đến một ngày đẹp trời nào đó, khi ngã con sẽ không khóc và cần tới sự trợ giúp của cha mẹ nữa vì con đã có thể tự mình đứng dậy được rồi.
Tuy nhiên, cũng đừng nên để số lần thất bại của con nhiều quá vì khi đó con sẽ bắt đầu nghi ngờ năng lực của bản thân, rằng con sẽ không thể làm được việc đó và có xu hướng bỏ cuộc nhanh chóng.
Trên đây là 5 phương pháp cha mẹ có thể tham khảo khi muốn rèn luyện cho con khả năng đối mặt với thất bại. Tuy nhiên, dù có lựa chọn phương pháp nào thì điều đầu tiên đó là cha mẹ phải hiểu con và đồng hành cùng con trên quá trình học hỏi. Dạy con cách chiến thắng không sai, nhưng trước khi học được cách chiến thắng, trẻ nên được dạy làm sao để đối mặt với thất bại và vượt qua nó.