Theo Thương hiệu & pháp luật, việc lựa chọn một cái tên phù hợp, vừa mang ý nghĩa tốt đẹp, vừa tuân thủ quy định pháp luật luôn được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Bài viết này sẽ phân tích những quy định pháp luật về đặt tên cho trẻ em tại Việt Nam, đồng thời điểm qua một số tên bị cấm và tên phổ biến nhất hiện nay.
Truyền thống đặt tên cho con ở Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi. Trước đây, việc đặt tên thường do ông bà, đặc biệt là ông bà nội đảm nhiệm. Tập tục này xuất phát từ mong muốn tránh trùng tên với tổ tiên, thể hiện sự tôn kính với những người đi trước trong gia đình, dòng họ. Ngày nay, cha mẹ có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc đặt tên cho con, bên cạnh việc tham khảo ý kiến ông bà, nhiều người còn tìm đến các chuyên gia phong thủy để lựa chọn tên hợp tuổi, hợp mệnh cho con. Xu hướng đặt tên cũng thay đổi theo thời gian. Nếu như trước đây, tên của nữ thường có chữ đệm là “Thị”, nam là “Văn” thì ngày nay, cấu trúc tên đã đa dạng hơn, ít người còn sử dụng những chữ đệm này. Thay vào đó, cha mẹ ưu tiên lựa chọn những cái tên đẹp, mang ý nghĩa tích cực, thay vì quan niệm “đặt tên xấu cho dễ nuôi” như trước kia.
Tuy nhiên, quyền tự do đặt tên không đồng nghĩa với việc cha mẹ có thể đặt tên tùy tiện. Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể về việc đặt tên cho trẻ em, nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ và duy trì những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Trẻ em có quyền mang họ cha hoặc họ mẹ. Khoản 3 cùng điều luật này cũng nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Dựa trên những quy định trên, có thể thấy 5 kiểu tên sau đây sẽ bị cấm đặt và có thể bị cán bộ hộ tịch từ chối hồ sơ khai sinh:
– Tên bằng tiếng nước ngoài: Luật quy định tên công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Ví dụ như Elizabeth, Maradona… sẽ không được chấp nhận.
– Tên bằng ký tự hoặc số: Tên không được đặt bằng số hoặc ký tự đặc biệt không phải là chữ cái. Ví dụ: 1, 2, @, $…
– Tên xâm phạm lợi ích của người khác: Mặc dù trên thực tế, trường hợp này rất hiếm gặp nhưng pháp luật vẫn quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân.
– Tên không phù hợp với bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống Việt Nam: Việc đánh giá tên có vi phạm điều này hay không cần xem xét từng trường hợp cụ thể.
– Tên quá dài: Mặc dù chưa có quy định cụ thể về độ dài tối đa của tên, nhưng cha mẹ nên lưu ý tên thường gồm họ, tên đệm và tên chính, thông thường là 3-4 chữ. Tên quá dài sẽ gây khó khăn khi thể hiện trên các giấy tờ và trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây từng có đề xuất tên không quá 25 ký tự, tuy nhiên vẫn chưa được phê duyệt.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những quy định riêng về việc đặt tên cho trẻ em.
Ngoài ra, hãy tìm hiểu xem cái tên nào được xem là phổ biến nhất ở Việt Nam? Theo ước tính, có khoảng 5 triệu người Việt Nam mang tên “Anh”. Cái tên này được ưa chuộng bởi tính linh hoạt, phù hợp cho cả nam và nữ. “Anh” mang ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho sự tinh hoa, thông minh, giỏi giang, nổi trội.
Khai sinh không đúng sự thật có thể bị phạt tới 5 triệu đồng
Theo báo Dân trí, theo Điều 37, Chương III Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Sau đây gọi tắt là “Nghị định số 82/2020/NĐ-CP”) quy định về hành vi vi phạm đăng ký khai sinh như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
– Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
– Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Như vậy, người cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo các quy định nêu trên.